(NLĐ) Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy (ảnh) sẽ tham gia đêm diễn duy nhất của Richard Clayderman với vai trò chỉ đạo nghệ thuật cho dàn dây 8 người đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia VN biểu diễn cùng Clayderman.

Trao đổi với Lao Động, nghệ sĩ Bùi Công Duy cho biết:

“6 triệu đồng/vé để được xem ông hoàng piano người Pháp? Người bảo rẻ, người bảo đắt. Theo tôi, không nên đặt ra chuyện đắt - rẻ ở đây, vì trong nghệ thuật, điều đó rất vô cùng. Hay - thì 6 triệu cũng là rẻ, mà dở - thì 1 triệu cũng là đắt! 90 phút, thay vì 180 phút như dự định, để phù hợp với khán giả VN thực ra cũng không phải ngắn. Chương trình hay được quyết định bởi yếu tố chuyên môn, chứ không phải yếu tố thời lượng.

Việc Richard Clayderman nghỉ ở phòng Tổng thống được cho là một trong những nguyên nhân khiến giá vé đội lên. Cố nhiên, đã là nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế thì họ đều có những yêu cầu hết sức cụ thể về việc đó (dù dân classic thì thường có vẻ dễ tính hơn dân nhạc nhẹ). Nhưng theo như tôi biết, để tổ chức được những chương trình như thế này, thường thì tốn tiền ở các khoản khác, chứ không hẳn ở khoản đi lại, ăn ở... Cũng không mong tiền bán vé có thể giúp bù lỗ. Những chương trình lớn như thế này không lỗ (hoặc chỉ phải bù lỗ ít) là vui lắm rồi! Thường người ta làm vì đam mê hơn là mục đích kinh doanh...

Không thể so giá vé của Toyota Concert Tour 2014 (300.000 - 700.000 đồng) và Richard Clayderman (600.000 - 6 triệu đồng) vì một bên là chương trình phi thương mại, với mục đích từ thiện, còn một bên là chương trình thương mại. Tương tự, các nghệ sĩ tham gia Toyota Concert Tour 2014 hay bất cứ một chương trình phi thương mại nào cũng thế: Họ sẽ không bao giờ lấy 100% cátsê, còn Richard Clayderman sang VN không phải để làm từ thiện.

Quan niệm “Nhạc tử tế chỉ dành cho người giàu” theo tôi là hơi bi quan, vì trên thực tế, 600.000 đồng cũng có thể có cơ hội được xem Clayderman rồi. Chỗ ngồi tất nhiên là “tiền nào của nấy”, nhưng nên nhớ, âm nhạc nghe bằng tai, chứ không phải xem bằng mắt. Và ngay cả có bị “thiệt” thì cũng nên vui lòng chấp nhận điều đó. Vì đơn giản, cuộc sống đôi khi là thế, không phải lúc nào cũng hoàn toàn có thể công bằng. Lẽ đương nhiên là phải có sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo trong cuộc sống, nếu như không muốn nói, biết đâu một phần cũng nhờ có sự phân biệt đó mà người ta mới có thêm động lực phấn đấu...